Luật Thi hành án hình sự (LTHAHS) năm 2019 đến nay qua 05 năm triển khai và thực hiện, đã cho thấy những quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp lại thiếu các văn bản hướng dẫn nên việc triển khai thực hiện còn có cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong quá trình thi hành án hình sự.
LTHAHS năm 2019 đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020. Việc thông qua Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Thi hành án hình sự năm 2010, tạo hành lang pháp lý cho Tòa án trong công tác thi hành án hình sự tốt hơn, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu lực của nền tư pháp quốc gia, đáp ứng yêu cầu của công tác cải cách tư pháp theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, LTHAHS năm 2019 có những quy định chưa rõ ràng, thiếu các văn bản hướng dẫn nên việc triển khai thực hiện còn có cách hiểu khác nhau; một số quy định còn chưa phù hợp, gây khó khăn trong quá trình thi hành án hình sự, đặc biệt là các trường hợp thi hành án liên quan đến hình phạt tử hình, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, giảm chấp hành hình phạt tù cũng như công tác phối hợp, kiểm tra về thi hành án của các cơ quan TAND, VKSND.
1. Quy định của pháp luật và một số bất cập
Khoản 4 Điều 21 của LTHAHS năm 2019 quy định hiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong công tác thi hành án hình sự, quy định:
“1. Ra quyết định thi hành án; quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình.
2. Ra quyết định hoặc hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện; quyết định đình chỉ thi hành án; quyết định miễn chấp hành án, giảm thời hạn chấp hành án; quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành án phạt tù; quyết định kéo dài thời hạn trục xuất; quyết định rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện…
4. Gửi bản án, quyết định được thi hành và quyết định quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tài liệu có liên quan cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật này…”
Luật chưa có quy định cụ thể các tài liệu nào cần phải gửi cho Tòa án nhận ủy thác thi hành án. Điều này gây lúng túng cho các Tòa án địa phương. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung điều luật hoặc có hướng dẫn cụ thể các tài liệu nào phải gửi cho Tòa án nhận ủy thác thi hành án.
Điểm b khoản 1 Điều 102 LTHAHS năm 2019, về giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, quy định:
“1. Người chấp hành án có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định giảm thời hạn chấp hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:.. b) Trong thời gian thử thách người chấp hành án đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 99 của Luật này; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng…”.
Quy định này không hợp lý vì người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ không có thời gian thử thách. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng: Bỏ cụm từ “thời gian thử thách”, mà chỉ cần ghi: Trong thời gian chấp hành án người chấp hành án đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ theo Điều 99 của Luật này…
Khoản 2 Điều 92, khoản 2 Điều 100 và điểm a khoản 1 Điều 109 của LTHAHS năm 2019, quy định: “Người được hưởng án treo vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, trường hợp không đồng ý thì UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Như vậy, UBND cấp xã chỉ trả lời bằng văn bản trong trường hợp không đồng ý, còn trường hợp đồng ý thì không được thực hiện bằng văn bản, dễ dẫn đến sự tùy nghi khi áp dụng vào thực tiễn. Nếu trường hợp UBND cấp xã đồng ý miệng thì sau đó quyền và lợi ích của người chấp hành án treo có thể bị ảnh hưởng, vì họ có thể vi phạm nghĩa vụ chấp hành án từ 02 lần trở lên và Tòa án có thể buộc phải chấp hành bản án đã cho hưởng án treo thành hình phạt tù theo quy định tại Điều 65 BLHS năm 2015, Điều 93 LTHAHS năm 2019.
Trên thực tế người chấp hành án treo thường rời khỏi địa phương để làm ăn, sinh sống, nên việc quản lý sẽ gặp khó khăn. Do đó, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc tại thời điểm sau khi Toà án tuyên án nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, đối với những trường hợp được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị “Bệnh nặng” căn cứ vào “Kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên” và xác định “có thai” của “Bệnh viện từ cấp huyện trở lên” nhưng chưa có văn bản quy định rõ kết luận của bệnh viện được hiểu như thế nào? Đó là nội dung kết luận của bác sỹ điều trị ghi trong bệnh án, kết quả siêu âm hay là một văn bản kết luận riêng của người có thẩm quyền trong bệnh viện? Thực tế, bệnh viện không ra văn bản kết luận riêng mà chỉ cung cấp bệnh án của bệnh nhân có thể hiện kết quả điều trị bệnh hoặc phiếu siêu âm thai nhi.
Đối với các trường hợp được hoãn do bị bệnh nặng, nhưng chưa có quy định về việc kiểm tra sức khỏe của người được hoãn trong thời gian hoãn để xác định tình trạng sức khỏe họ đã hồi phục như thế nào? Không có quy định cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm hoặc thẩm quyền yêu cầu người được hoãn đi kiểm tra sức khỏe và xác định họ đã hồi phục sức khoẻ để tiếp tục đưa đi chấp hành án.
2. Khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn
Hiện nay, trong số người bị kết án tử hình đang bị giam tại Trại tạm giam Công an là người nước ngoài, có khó khăn về ngôn ngữ. Mặt khác, người bị kết án là người ở nước ngoài, không có người thân, có nguyện vọng được thi hành án sớm, nhưng hồ sơ chưa đủ trình tự thủ tục theo quy định như: Quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị của Chánh án TANDTC, VKSNDTC, Quyết định của Chủ tịch nước. Do đó, ảnh hưởng rất lớn trong việc nắm bắt tâm lý, tư tưởng, quản lý, giáo dục các đối tượng.
Bên cạnh đó, việc thi hành án tử hình hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, chủ yêu xuất phát từ giai đoạn phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ người bị kết án tử hình; quá trình xem xét giải quyết một số người bị kết án tử hình viết đơn kêu oan… nên nhiều trường hợp thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài, dẫn đến tình trạng số lượng người bị kết án tử hình ngày càng tăng gây áp lực đến việc quản lý giam giữ và công tác đảm bảo an ninh, an toàn giam giữ. Theo số liệu thống kê của TAND tỉnh Kon Tum thì hiện đang thụ lý 11 hồ sơ đối với 11 người bị kết án tử hình; trong đó: Có 01 người bị kết án tử hình bị tạm giam từ năm 2018; 05 người bị kết án tử hình bị tạm giam từ năm 2019; 03 bị kết án tử hình bị tạm giam từ năm 2020; 02 người bị kết án tử hình bị tạm giam năm 2021 nhưng chưa có Quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; hoặc Quyết định của Chủ tịch nước có tác động nhất định đến tâm lý người bị kết án tử hình.
Hiện tại người bị kết án tử hình có quốc tịch nước ngoài, quá trình điều tra, Phòng PC04 – Công an các tỉnh cũng đã cung cấp các tài liệu về nhân thân lai lịch, giấy tờ chứng minh quốc tịch của người bị kết án. Còn các tài liệu về lý lịch bị can và hộ chiếu cũng đã ủy thác tư pháp nhưng chờ nhận được kết quả trả lời của nước ủy thác, nên không thu thập được các tài liệu trên. Trong khi đó, các bị án là người nước ngoài có tư tưởng luôn trông chờ vào sự can thiệp của Lãnh sự để xin đi khám, điều trị bệnh viện tuyến trên, giảm định mức lao động, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù… nên việc quản lý nhiều đối tượng nên việc thực hiện các chế độ, chính sách cũng như công tác quản lý, giam giữ đối với bị án gặp khó khăn.
Đối với những trường hợp Ủy thác thi hành án phạt tù đối với người bị kết án tại ngoại việc Tòa án ủy thác đã gửi các tại liệu như bản án, bản sao các quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định khởi tố bị can; Danh chỉ bản; Lý lịch bị can … nhưng nhiều Tòa án căn cứ vào quy định tại khoản 4 Điều 21 LTHAHS yêu cầu Tòa án ủy thác cung cấp thêm tài liệu như cáo trạng, kết luận điều tra… nếu không cung cấp thì Tòa án nhận ủy thác trả lại hồ sơ ủy thác, dẫn đến việc ra Quyết định thi hành án bị kéo dài, chậm trễ.
LTHAHS năm 2019 cũng chưa có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người tạm đình chỉ, hoãn chấp hành án phạt tù, nghĩa vụ của những người này trong thời gian được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, giám sát đối với người này trong quá trình Họ được hoãn, tạm đình chỉ. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý và nghĩa vụ của người hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Thực tiễn hiện nay cho thấy quá trình người chấp hành án phạt tù tại cộng đồng (người tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành án phạt quản chế) có nguyện vọng muốn tìm công việc làm để từng bước tái hoà nhập cộng đồng, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, LTHAHS năm 2019 mới chỉ quy định cho người chấp hành án hình sự tại cộng đồng được cư trú trên địa bàn hành chính chính cấp xã và khi ra khỏi địa bản này phải xin phép UBND cấp xã và đơn vị quân đội được giao quản lý. Do vậy, trường hợp người chấp hành án hình sự tại cộng đồng có nhu cầu muốn tìm việc làm mà trên địa bản hành chính cấp xã nơi người đó cư trú không có công việc phù hợp hoặc không có việc làm. Nhưng ngược lại ở bên ngoài địa bàn hành chính cấp xã đó lại có công việc phù hợp với họ, trong khi đó Luật lại chưa có quy định cho phép người chấp hành án hình sự tại cộng đồng ra khỏi nơi cư trú để thực hiện công việc và cách thức quản lý họ trong trường hợp này.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Qua thực tiễn thi hành LTHAHS năm 2019 tôi xin đề xuất kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác thi hành án hình sự như sau:
Một là, kịp thời ban hành các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thay thế các Nghị quyết đã hết hiệu lực; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phổ biến để ban hành nghị quyết hướng dẫn mới. Xây dựng thông tư liên tịch và các văn bản phối hợp giữa TAND, VKSND, Công an và Bộ Y tế trong công tác thi hành án hình sự; Sửa đổi, bổ sung các quy định về thi hành án hình sự phù hợp với tình hình thực tiễn công tác. Cụ thể hóa chế độ, chính sách ưu đãi đối với người trực tiếp thực hiện công tác thi hành án hình sự nhằm khích lệ tinh thần, nâng cao trách nhiệm để công tác này ngày càng hiệu quả. Bổ sung biên chế, có chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác thi hành án hình sự, cũng như hưởng phụ cấp đối với công chức làm công tác Thi hành án hình sự.
Hai là, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình là người nước ngoài, cũng như báo cáo liên ngành tư pháp Trung ương để đề nghị Chủ tịch nước sớm có Quyết định ân giảm hoặc Quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình để có căn cứ pháp luật tổ chức thi hành án.
Ba là, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác thi hành án hình sự. Tổ chức tập huấn, triển khai các quy định mới có liên quan đến công tác thi hành án hình sự cho Tòa án nhân dân hai cấp (cấp tỉnh và huyện). Có biểu mẫu thống nhất chung trong công tác thi hành án hình sự.
Bốn là, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; tăng cường công tác phối hợp với UBND các xã trong công tác thi hành án hình sự, theo đó có các quy định ràng buộc cụ thể để nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương (cấp xã) trong việc quản lý, giám sát các đối tượng được áp dụng các biện pháp ngăn chặn tại nơi cư trú. Cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; chỉ đạo tổ chức thực hiện đúng quy định (vì chế định này có nhiều nội dung khá giống với quy định đặc xá tha tù trước thời hạn); chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (vấn đề xác minh địa chỉ, hiện tượng gia đình người chấp hành án không nhận lại con, em…) để áp dụng pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất
Năm là, có quy định và hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc tại thời điểm sau khi Toà án tuyên án nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật; Quy định về việc uỷ thác thi hành án của nơi uỷ thác và nơi nhận uỷ thác để đảm bảo việc thi hành án được thực hiện đầy đủ đúng quy định.
Với mong muốn LTHAHS năm 2019 được hoàn thiện, các cơ quan thực thi pháp luật và cá nhân chấp hành đúng quy định về LTHAHS, rất mong Quốc hội, các cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương sớm kiến nghị để sửa đổi, hướng dẫn đổi thống nhất trong việc thực hiện và áp dụng pháp luật thi hành án hình sự.
NCS. HÀ VIẾT TOÀN (Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum)